Bí mật có thật
Mèo Mập Blog
Bí mật có thật
February 23, 2021
“Điện thoại do VinSmart sản xuất đã bán tại Mỹ. Ba mẫu điện thoại do VinSmart sản xuất mang thương hiệu AT&T đã xuất hiện tại hệ thống cửa hàng của nhà mạng này tại Mỹ từ đầu năm nay.” - VnExpress 22/2/2021
Bí mật là điều cốt lõi. Nếu các công ty lớn như VinGroup, Intel, Apple, Google,… không có bí mật kinh doanh thì sẽ không xây dựng được lợi thế cạnh tranh dài hạn. Có những bí mật được chuyển hoá trọn vẹn thành những thành luỹ kiên cố và cho phép các tập đoàn tồn tại, phát triển dù theo thời gian nó không còn là bí mật nữa. Ví dụ như bí mật của công thức nước giải khát CocaCola. John Pemperton được xem là đã viết nên công thức bí truyền của CocaCola ngay trước lúc ông qua đời vào năm 1888. CocaCola truyền thông rằng công thức này là “bí mật được bảo quản chặt chẽ nhất thế giới”, được giam giữ trước đó là ở 1 ngân hàng ở Atlanta, Mỹ và sau đó là ở bảo tàng của tập đoàn CocaCola. Ở mỗi thời điểm, chỉ có 2 người duy nhất trên thế giới nắm chìa khóa để mở két sắt này. Nhưng bí mật thật sự của CocaCola có lẽ là… không có công thức bí mật nào cả, chỉ là một câu chuyện của CocaCola để gầy dựng thành luỹ cạnh tranh mang tên “quy mô” và “thương hiệu”. Năm 2021 cũng không còn mấy người tin vào công thức CocaCola bí mật và thực ra là cũng không ai quan tâm. 

Hay việc Intel chủ động bán những con chip máy tính $1 đầu tiên vào năm 1965, một mức giá mà Intel gánh lỗ, gây rúng động cả thế giới lúc bấy giờ. Có ai ngờ bí mật của Intel là muốn đạt quy mô sản xuất sớm nhất thị trường để kích hoạt vòng lặp phản hồi: bán nhiều => khối lượng bán ra lớn => máy móc hiện đại => chi phí sản xuất rẻ lại => bán được nhiều hơn => khối lượng bán ra lớn hơn nữa => chi phí sản xuất rẻ hơn nữa =>… Vòng lặp phản hồi này giúp Intel sớm đạt được chi phí sản xuất vượt xa mọi đối thủ. Ở thời điểm năm 1965, đây là nước cờ mới mẻ, độc đáo, thiên tài, mà năm 2021 đã là chuẩn cờ cơ bản trong quyển sách chiến lược của tất cả công ty. Không hề gì với Intel. Intel đã chiến thắng rồi, ít nhất là trong giai đoạn 1965 đến 2010.

VinGroup có thành công với VinSmart ở thị trường Mỹ hay không còn là câu hỏi mở, phụ thuộc vào bí mật mà Vin đang nắm giữ. VinSmart xuất hiện ở Mỹ mà không được mang tên của Vin, và khả năng cao là cũng không có mấy lợi nhuận, thì sẽ để lại gì cho Vin? Sẽ giúp Vin đạt chuẩn quy mô giảm giá thành sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm? Hay là bảo đảm đầu ra cho đợt chuyển giao công nghệ nào đó sắp diễn ra? Hay kiếm đầu ra cho dây chuyền sản xuất hoạt động vào những mùa thấp điểm?

Bí mật tạo lợi nhuận. Ngược lại, lợi nhuận là cánh cửa sổ cho thấy số lượng bí mật mà một công ty nào đó đang nắm giữ. Nếu bạn cảm thấy chưa có lợi thế cạnh tranh cho bản thân và khó tìm việc, thăng tiến hoặc kiếm tiền, có chăng bạn cần thêm chút bí mật để khai phóng tiềm năng? Doanh nghiệp của bạn lãi ít hoặc khó khăn phải chăng vì chưa gầy dựng được bộ bí mật kinh doanh của riêng mình? 

Và tìm đâu ra một trang blog lật tẩy những bí mật hay nhất của thế giới để theo dõi nhỉ? 🧐

Bài viết liên quan:

Câu chuyện này có ích cho bạn?

Mèo Mập Blog 🌞