Đòn bẩy tài chính
Mèo Mập Blog
Đòn bẩy tài chính
April 2, 2021
“Thủ tướng nhất trí vay 2 tỉ USD phát triển Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính phủ đã nghe, thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỉ USD (của World Bank, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.” - Tuổi Trẻ Online 1/4/2021
Christopher Columbus, con trai của một thương gia buôn len, được sinh ra ở Genoa, Ý vào năm 1451. Khi vẫn còn là một thiếu niên, ông bắt đầu làm việc trên một con tàu buôn. Ông gắn bó với biển cả cho đến năm 1476 thì hải tặc tấn công con tàu của ông khi nó đi về phía bắc dọc theo bờ biển Bồ Đào Nha. Con thuyền bị đánh chìm, nhưng chàng trai trẻ Columbus trôi dạt vào bờ trên một mảnh gỗ vụn và tìm đường đến Lisbon, và bắt đầu nghiên cứu toán học, thiên văn học, bản đồ học và hàng hải. Anh cũng bắt đầu ấp ủ kế hoạch sẽ thay đổi thế giới mãi mãi.

Những chuyến tàu khám phá thế giới của ông được đầu tư bởi vua Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Trên con đường hàng hải mênh mông ông đi về phía Tây của Châu Âu để tìm đường đến Châu Á, nhưng lại vô tình khám phá ra Bắc Mỹ.  Chính sự khám phá này đã ghi tên ông trong lịch sử, và sẵn tiện mang về cho hoàng gia Tây Ban Nha biết bao lợi nhuận trong nhiều thập kỷ tiếp theo và bản thân Columbus trở thành một người giàu có.

Khoản tiền nhà vua Tây Ban Nha đầu tư vào chuyến thám hiểm của Columbus cũng chính là đòn bẩy tài chính giúp ông biến tay trắng thành một cơ ngơi tài sản và chỗ đứng trong lịch sử cả thế giới. Điều quan trọng nhất là ông đã sử dụng khoản tiền đó hiệu quả, mang lại lợi nhuận gấp 100x lần. ĐBSCL vay 2 tỉ USD cũng là đang sử dụng đòn bẩy tài chính, hi vọng biến nó thành khối sản phẩm thu được giá trị 10 tỉ USD hoặc hơn nữa. Một phần thặng dư sẽ dành để trả lãi vay, phần còn lại là phần thưởng chia cho chính phủ, các tổ chức và cá nhân. Duy nhất cần làm được 1 điều cốt lõi: sử dụng vốn vay để sinh lời nhiều hơn chi phí lãi vay. Ngược lại, sử dụng vốn vay không hiệu quả đồng nghĩa với thất bại cũng nhân lên cùng với nợ vay chất chồng.

Nếu bạn đang vay để kinh doanh, lãi vay bạn đang chịu là bao nhiêu? Lợi nhuận bạn có thể tạo ra trên khoản vay là bao nhiêu? Nếu không đạt như mong đợi bạn sẽ mất bao nhiêu?

-Mèo Mập